Vì sao tương lại thuộc về xe điện?
Cả thế giới đang lao vào vòng xoáy chuyển đổi từ xe chạy xăng sang xe điện. Nhưng đã bao giờ bạn tự hỏi: Tại sao tương lai lại thuộc về xe điện, chứ không phải loại xe nào khác?
Công nghệ pin là chìa khóa
Với chính sách hỗ trợ của chính phủ các nước và việc công nghệ pin ngày một rẻ hơn, tương lai xe điện rẻ ngang, hoặc thậm chí rẻ hơn, xe chạy xăng không còn quá xa. Hiện nay, giá bán quá cao của xe điện so với xe chạy xăng hiện vẫn là lý do chính khiến nhiều người tiêu dùng không muốn chuyển sang loại phương tiện mới này. Tuy nhiên, các nghiên cứu mới cho thấy điều đó sẽ thay đổi trong những năm tới.
Với cỡ pin như hiện tại, trung bình một bộ pin chiếm chi phí khoảng 6.300 USD trong một chiếc xe điện thông thường (với xe sang có thể cao hơn). Giá pin đã giảm rất nhiều – 89% trong 10 năm qua, theo BloombergNEF. Chi phí trung bình hiện tại ở mức 137 USD/kWh, giảm nhiều so với con số 1.191 USD vào năm 2010, nhưng vẫn còn cách xa mốc 100 USD để xe điện có thể rẻ bằng xe động cơ đốt trong.
Chi phí này không thể giảm trong một sớm một chiều, trong khi chi phí vật liệu sản xuất pin ngày một tăng. Tuy nhiên, nếu không có gì thay đổi đột biến, thì chi phí này sẽ giảm xuống mức 92 USD/kWh vào năm 2024, theo dự báo của BloombergNEF, và đạt mức 58 USD/kWh vào năm 2030.
Ngoài vấn đề chi phí, có thể nói pin chính là bộ phận quan trọng nhất của một chiếc xe điện. Quãng đường xe có thể chạy sau mỗi lần sạc điện chính là mối bận tâm lớn của người mua xe điện. Ngày nay, các mẫu xe điện đời mới, như MG ZS của Trung Quốc, có thể chạy 260km sau mỗi lần sạc và chỉ mất 40 phút để sạc đầy 80% pin. Như vậy tức là khi xe cạn pin, bạn chỉ cần chờ sạc 40 phút là có thể chạy thêm 200km.
Hay như mẫu Kia Niro EV của Hàn Quốc có thể chạy 385km sau mỗi lần sạc và có thể nạp đầy 80% pin chỉ trong vòng chưa đầy một tiếng nếu sử dụng bộ sạc kết hợp SAE trang bị tiêu chuẩn đi kèm.
Nếu như vậy vẫn chưa khiến người tiêu dùng yên tâm, thời gian chờ đợi cả tiếng đồng hồ để xe sạc pin vẫn là quá lâu nếu so với việc chỉ mất vài phút đổ xăng, thì thị trường xe điện còn có thêm một phương án, đó là đổi pin, hoặc dùng sạc dự phòng như với điện thoại di động.
Theo đó, bạn có thể đổi bộ pin cạn lấy bộ đã sạc đầy sẵn tại trạm sạc. Hiện công nghệ này vẫn chưa phổ biến rộng rãi, nhưng sẽ trở nên quen thuộc trong tương lai không xa. Và khi đó, xe điện sẽ trở thành lựa chọn số 1 của người tiêu dùng.
Công nghệ sạc dự phòng cho xe điện như với điện thoại di động dự kiến cũng sẽ có mặt trên thị trường trong một vài năm tới, tạo tâm lý yên tâm cho người dùng xe điện trong những chuyến đi xa, ở những nơi chưa được lắp đặt trạm sạc cố định, hoặc khi tài xế quên để ý đến dung lượng pin trên xe.
Chi phí sở hữu thấp
Người mua ô tô không chỉ quan tâm tới giá xe, mà quan trọng hơn là chi phí sở hữu, bao gồm, mức độ mất giá của xe, chi phí vay, chi phí nhiên liệu, phí bảo hiểm, phí bảo dưỡng và sửa chữa, cùng các loại thuế, phí khác.
Ở hầu hết các nước, xe điện đều đang được chính phủ trợ giá hoặc ưu đãi thuế, phí. Trong khi đó, chi phí bảo dưỡng cao và giá nhiên liệu đắt đỏ có thể khiến ô tô chạy xăng trở thành gánh nặng tài chính đối với chủ xe. Nhưng những vấn đề này sẽ “biến mất” ở xe điện.
Một khảo sát gần đây của Bộ Năng lượng Mỹ cho thấy chi phí bảo dưỡng của xe điện thấp hơn 40% so với xe động cơ đốt trong.
Hiện chi phí sở hữu xe hybrid đang thấp nhất, nhưng xe điện sẽ nhanh chóng đuổi kịp khi giá pin giảm xuống. Không có gì chắc chắn về việc các chi phí này sẽ giảm nhanh đến đâu, nhưng công nghệ có vẻ như đang phát triển đúng hướng.
“Tên đã lên dây”
Hiện xe điện mới chỉ chiếm khoảng 1% phương tiện đường bộ. Tuy nhiên, với các chính sách năng lượng và môi trường như hiện nay của các nước, cùng với nỗ lực của các nhà sản xuất và sự tiếp nhận của người tiêu dùng, tổng số lượng xe du lịch, xe buýt, xe van và xe tải chạy điện dự kiến sẽ tăng lên mức 145 triệu chiếc, chiếm khoảng 7% số phương tiện đường bộ vào cuối thập kỷ này.
Nếu áp dụng các chương trình khí hậu và khí thải nghiêm ngặt hơn, con số này có thể tăng lên 230 triệu chiếc, tương ứng với 12% phương tiện đường bộ vào năm 2030. Đó là chưa tính motor và xe gắn máy.
Có một thực tế đáng chú ý là doanh số xe điện trong năm 2020 tăng tới 41% trong khi tổng doanh số ô tô nói chung trên thế giới giảm 16%. Châu Âu đã vượt qua Trung Quốc, lần đầu tiên trở thành thị trường xe điện lớn nhất thế giới. Trong tổng số 3 triệu xe điện bán ra, mức tiêu thụ của thị trường châu Âu đã tăng hơn 2 lần lên 1,4 triệu chiếc, trong khi tiêu thụ xe điện tại Trung Quốc tăng lên 1,2 triệu chiếc.
Hiện trên thế giới đã có khoảng 370 mẫu xe điện khác nhau. Việc chi phí pin giảm xuống đã khiến người tiêu dùng tăng 50% chi tiêu cho xe điện vào năm 2020, lên mức 120 tỷ USD.
Bên cạnh việc tăng cường các biện pháp khuyến khích chuyển đổi sang sản xuất, tiêu dùng xe điện, như trợ giá, giảm thuế, chính phủ các nước còn siết quy định khí thải và tiêu thụ nhiên liệu. Hiện đã có hơn 20 nước ban hành lệnh cấm bán xe mới sử dụng động cơ đốt trong. Một số nước châu Âu đã lồng ghép các chương trình ưu đãi mua xe điện vào các kế hoạch phục hồi kinh tế sau đại dịch. Trung Quốc đã gia hạn chương trình trợ giá xe sử dụng năng lượng mới (NEV) sang năm 2022 để bảo toàn doanh số xe điện trong đợt suy thoái kinh tế do đại dịch.
Trong khi đó, Bộ Kinh tế Nhật Bản đã đặt mục tiêu tới giữa năm 2030, toàn bộ xe mới bán ra trên thị trường đều phải là xe hybrid hoặc xe điện thuần túy, dần loại bỏ toàn bộ xe sử dụng động cơ đốt trong ra khỏi thị trường xe mới.
Chính phủ Anh cũng đã thông báo, đến năm 2030 sẽ chấm dứt bán xe ô tô mới, sử dụng động cơ đốt trong.
Mỹ, đặc biệt là bang California, cùng nhiều quốc gia ở châu Âu đã bắt đầu ban hành luật để tiến tới ngừng sản xuất ô tô chạy bằng xăng, dầu truyền thống vào năm 2035. Các nước này định thực hiện điều đó bằng cách hướng người dân sang sử dụng xe điện. Việc này cho thấy khó có khả năng họ sẽ sớm từ bỏ các kế hoạch này để theo đuổi một cái gì đó hoàn toàn khác trong tương lai gần.